Hôm nay: Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Đình Khả Do, xã Nam Viêm (Phúc Yên) được xây dựng thời Hậu Lê (Lê Cảnh Hưng - 1741) thờ Tam Giang Đại Vương - Danh tướng giúp Triệu Việt Vương đánh tan giặc nhà Lương; Minh Phi Hoàng Hậu - Thánh Mẫu sinh ra Đức Tam Giang; Tá Phụ Nương Tử - Em gái Đức Tam Giang đã có công trong việc phụ trách quân lương.

Tương truyền, Đức Thánh Tam Giang được Triệu Việt Vương phong làm Thượng Tướng quân để chống giặc Lương (thế kỷ thứ VI). Ngài đã cùng 3 em trai của mình dùng chiến thuật đánh du kích để đánh tan quân xâm lược nhà Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu. Triệu Việt Vương lên ngôi được một thời gian, do không nghe lời can gián của Ngài lên đã bị mất ngôi vương bởi Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cử người đi triệu anh em Ngài về làm quan nhưng Ngài không nhận mà rằng: “Tôi trung không thờ hai chúa” rồi cùng toàn bộ gia quyến tuẫn tiết trên sông Như Nguyệt. Ghi nhớ công lao cũng như tấm gương trung nghĩa của Ngài, dọc theo 3 dòng sông Thiên Đức, Nhật Đức, Nguyệt Đức có 298 thôn, xã thờ phụng và tôn Ngài là thành hoàng làng.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Đình làng Khả Do là một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Hậu Lê. Ngày nay, đình Khả Do có những ngày lễ tiết chính trong năm như: Mùng 1 và ngày rằm hàng tháng; mười lăm tháng Giêng và mùng 2 tháng 8 là tiệc chính; mùng 2 tháng 5 và 15 tháng 10 là tiệc phụ; ngày mùng 10 tháng 4 là ngày giỗ thành hoàng làng. Đình làng Khả Do có một tục lệ rất đặc sắc đó là: Tục lệ “Mua Quan viên”, ngày nay gọi là “Mua Tư văn” của trai đinh trong làng. Thời phong kiến, cách mua là phải có xôi gà, trầu cau, thẻ hương chờ dịp lễ tiết đặt vào mâm đem lên đình lễ thành hoàng và trình làng mua quan viên. Ngày nay là nải chuối, trầu cau, thẻ hương để mua tư văn. Trai đinh trong làng ai cũng muốn được mua bởi họ thấy tự hào là mình đã có chỗ ngồi ở đình làng nên phải sống có đạo lý- nền nếp gia phong kẻo dân làng cười chê là kẻ tầm thường. Hiện nay, sổ theo dõi Tư văn vẫn kế tiếp sổ Quan viên ngày xưa rất chặt chẽ, công tâm. Người nào mua trước sẽ được xếp ngồi trước theo thứ tự (gọi là Bàn), không kể tuổi tác và chức sắc. Hai bàn đầu tiên gọi là bàn Nhất ngồi ở gian giữa đình, mỗi bàn ngồi 3 người. Hai bàn tiếp theo gọi là bàn Nhì cũng ngồi tiếp theo bàn Nhất ở gian giữa đình, mỗi bàn ngồi 4 người. Sau bàn Nhất, bàn Nhì mới đến bàn của chức sắc làng, xã cũng mỗi bàn 4 người ngồi ở gian giữa đình. Tiếp theo đến các bàn của Quan viên (Tư văn) đều ngồi 4 người ở hai bên tả hữu trong đình. Các bàn đều được trải chiếu và sắp cỗ ăn như nhau theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. Quan viên (Tư văn) chỉ được chuyển đổi chỗ ngồi, bàn ngồi về phía trên, bàn trên khi người ngồi trước đã chết hoặc vắng mặt. Cứ như thế mà luân chuyển chỗ ngồi không được ưu tiên, bất kể người đó là ai. Chính nhờ nền nếp nghiêm ngặt, công bằng nên không xảy ra chuyện mất đoàn kết, tranh chỗ ngồi của nhau. Đây là một tục lệ đẹp của địa phương vẫn lưu giữ được cho đến ngày nay.

Bài, ảnh Thành An

31074vinhphuc_tindiaphuongimages-uploada

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)