Hôm nay: Thứ hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Trong những năm gần đây, chăn nuôi đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp người nông dân trên địa bàn xã Đồng Cương (Yên Lạc) tìm ra hướng làm giàu. Tuy nhiên, vấn đề chất thải sau chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt vẫn luôn là vấn đề được các cấp chính quyền và lãnh đạo địa phương quan tâm, tìm hướng giải quyết triệt để. Sau 5 năm triển khai thực hiện, những thành công của Dự án xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn tại xã Đồng Cương được đánh giá cao, góp phần giải quyết bài toán chất thải trong chăn nuôi và chất thải sinh hoạt ở địa phương.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Toàn xã Đồng Cương hiện có khoảng 700 mô hình chăn nuôi hộ gia đình với quy mô vừa và nhỏ. Tổng đàn trâu, bò của xã có 492 con; đàn lợn có 4.326 con; đàn gia cầm trên 22.327 con. Trong đó có gần 300 hộ chăn nuôi từ vài chục đến vài trăm con lợn, chủ yếu là chăn nuôi tại gia đình, trong khu dân cư và một số trại nhỏ ven đồng, ven sông Phan, dọc kênh ven làng. Số hộ gia đình trong xã có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh bằng các giải pháp như xây dựng hầm biogas, ủ phân, bể chứa nước thải lắng, lọc... vẫn còn hạn chế. Nhằm góp phần hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường nông thôn tại địa phương, ngày 31 - 12 - 2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 4083/QĐ-CT phê duyệt nội dung Dự án xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn tại xã Đồng Cương; Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2008 đến tháng 12 năm 2012 với tổng kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ của tỉnh là hơn 5,3 tỷ đồng; ngân sách huyện Yên Lạc hỗ trợ 14 triệu đồng; địa phương đóng góp toàn bộ quỹ đất để xây dựng các công trình, hạng mục của dự án và người dân địa phương tự đóng góp 514,8 triệu đồng. Sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Đảng ủy, HĐND xã đã tập trung chỉ đạo, ra Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường (VSMT) xã; thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường, thành lập tổ VSMT ở địa bàn các thôn, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tập trung vào các công việc chính như: thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải và nước thải trong khu dân cư; tháo dỡ lò gạch xây dựng trái phép, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Sau 5 năm thực hiện nghiêm túc công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về công tác BVMT, xã Đồng Cương đã tổ chức được 11 lớp tập huấn, in kẻ vẽ 5 băng - zôn, 10 pa - nô, áp - phích; thực hiện được 28 tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh của xã. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho nhân dân về BVMT, các tác động của biến đổi khí hậu; hình thành ý thức tự giác và trách nhiệm cho mỗi cán bộ, Đảng viên, từng hộ gia đình và toàn cộng đồng dân cư. Các tổ chức, đoàn thể trong xã đã nêu cao vai trò gương mẫu, tích cực vận động, tuyền truyền cho bà con không nên xả nước thải, chất thải, rác thải bừa bãi ra nơi công cộng, đường mương, ngõ xóm; thu gom, phân loại rác ngay tại hộ gia đình; vận động người dân tích cực tham gia các chiến dịch tổng VSMT do xã tổ chức.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác vận động, tuyền truyền để người dân thấy được lợi ích kinh tế và xã hội từ việc xây dựng hầm biogas, nhất là đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tính đến nay, toàn xã có 38 hộ gia đình làm chăn nuôi đăng ký và được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas với tổng số tiền hỗ trợ 358,9 triệu đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 62,9 triệu đồng và các hộ dân tự đóng góp được 296 triệu đồng. Hầu hết các hộ chăn nuôi sau khi xây dựng và sử dụng hầm biogas đều cho thấy hiệu quả của công nghệ này, khắc phục được một lượng lớn chất thải gây ô nhiễm, đồng thời tạo ra nguồn khí đốt dồi dào phục vụ cho sinh hoạt.

Trạm xử lý rác thải của xã được xây dựng tại khu Mái Ngãn, thôn Vật Cách với diện tích 180m2, gồm 3 ngăn ủ, xử lý rác thải và 1 nhà kho điều hành đến nay vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, hạn chế được tác động của rác thải đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân trong các khu dân cư. Sau khi trạm xử lý rác thải hoàn thành và đi vào hoạt động đã đảm bảo xử lý được 20% lượng rác thải hữu cơ với khối lượng trung bình 7 tấn. Rác thải hữu cơ sau khi thu gom và xử lý, được ủ thành phân vi sinh, giảm được diện tích chôn lấp rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải trong xã, đồng thời cung cấp nguồn phân bón cho sản xuất trồng trọt của bà con nông dân.

Tháng 12 - 2012, UBND xã Đồng Cương tiếp tục đưa vào hoạt động bãi xử lý rác thải tập trung với tổng diện tích 1.605,5 m2; tổng kinh phí xây dựng là 1,193 tỷ đồng, được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%. Công trình được xây dựng tại khu Vườn Chãy, thôn Cổ Tích; bao gồm các công trình như: hồ sinh thái rộng 72,9m2; hệ thống bể Bastaf rộng 19,7m2; hệ thống đê bao, đường vào và các hố chôn lấp rác. Đến nay công trình này đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo xử lý được 40% lượng rác thải trong toàn xã, với khối lượng khoảng 70 tấn rác/năm.  

Một trong những công trình góp phần giải quyết triệt để những tác động do ô nhiễm môi trường tại xã Đồng Cương là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể Bastaf trong khu dân cư, xây dựng tại thôn Cổ Tích. Công trình được thực hiện với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 100%. Công trình có diện tích mặt bằng 100m2, gồm hệ thống bể Bastaf và hệ thống rãnh thu gom nước thải đấu nối vào bể Bastaf với chiều dài 324 m. Đến nay, công trình đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, đưa vào sử dụng có hiệu quả, tạo nên cảnh quan và môi trường sạch đẹp, trong lành, xử lý tốt lượng nước thải sinh hoạt trong khu dân cư và được đông đảo bà con nhân dân địa phương đánh giá cao, nhiệt tình hưởng ứng. Công trình được xây dựng với sự tham gia tư vấn của Trung tâm Tài nguyên và BVMT Vĩnh Phúc. Theo các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tài nguyên và BVMT, hệ thống bể Bastaf có từ 4 - 6 vách ngăn, họat động theo nguyên tắc lắng và phân hủy sinh học kỵ khí như bể tự hoại thông thường, nhưng nước thải không đi qua bể theo chiều ngang mà đi theo đường dích dắc nhờ các vách ngăn mỏng, hoặc các ống PVC hướng dòng đặt trong bể. Bể được xây dựng hợp khối, có nắp kín, không gây mùi khó chịu, dễ vận hành, không phải dùng đến các thiết bị, máy móc, không tốn điện năng, dễ bảo dưỡng và sửa chữa. Có thể nói, đây là một mô hình xử lý nước thải với chi phí xây dựng thấp, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và có thể triển khai áp dụng nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ra môi trường xung quanh.

Những hiệu quả và thành công của dự án xây dựng mô hình điểm BVMT nông thôn tại xã Đồng Cương đã cho thấy, công tác BVMT là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn cộng đồng dân cư. Nhưng để các công trình xử lý rác thải, nước thải thực sự hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác BVMT thì vẫn cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền trong toàn tỉnh. Có như vậy, công tác BVMT nói chung và BVMT nông thôn nói riêng mới đạt được hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. 

 Việt Sơn 

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)