Hôm nay: Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Trong những năm vừa qua, làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh phát triển khá lớn về số lượng và đa dạng về loại hình. Quy mô và số lượng các cơ sở sản xuất tại phần lớn các làng nghề ngày càng được mở rộng và gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 77 làng nghề được phân theo 9 nhóm nghề bao gồm: nghề mộc, nghề mây tre đan, nghề (rèn) kim khí, nghề đá, nghề chế biến bông vải sợi, nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nghề chế biến rắn, nghề gốm, nghề thêu.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Sự phát triển của làng nghề đã và đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, đóng góp GDP chiếm tỷ lệ không nhỏ. Sự phát triển của làng nghề cũng mang lại lợi ích kinh tế và tăng cường quan hệ tình làng nghĩa xóm. Nhiều phong tục truyền thống được phục hồi như hội làng, giỗ tổ nghề… Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm nguồn nước thải của làng nghề là vấn đề đáng được các nhà chức trách quan tâm và có giải pháp xử lý triệt để nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

Hiện nay, quy mô sản xuất của các làng nghề đa số nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, trình độ thủ công… Hầu hết các làng nghề đều gặp khó về mặt bằng sản xuất, đa số sản xuất tại hộ gia đình ngay trong khu dân cư. Thực tế đó dẫn đến tình trạng các làng nghề của Vĩnh Phúc hiện nay đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt tại những làng nghề mộc, rèn, đục đá và tái chế nhựa thường phát sinh tiếng ồn, dung môi hữu cơ và khí thải lò than… Các cơ sở sản xuất ở các làng nghề đều chưa áp dụng các biện pháp xử lý, gây ô nhiễm môi trường lao động và môi trường không khí xung quanh. Kết quả quan trắc môi trường tại một số làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, hầu hết nước thải ra đều không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Hàm lượng chất ô nhiễm sinh hóa CDO, BOD5, SS… vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.

Đối với các làng nghề chế biến thực phẩm, tái chế phế liệu sắt thép, nhựa, nuôi rắn xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Yên Đồng (Yên Lạc) hoặc xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)… thường phát sinh nước thải và hầu như không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra các thủy vực gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt.

Việc đầu tư hạ tầng xử lý chất thải làng nghề cũng như cụm TTCN làng nghề trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều bất cập và đến nay trong tất cả các làng nghề truyền thống mới chỉ có làng nghề nuôi rắn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) được hỗ trợ thí điểm xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý. Các làng nghề còn lại và cụm phát triển TTCN làng nghề đã quy hoạch nhưng đều chưa có hạ tầng về xử lý chất thải, trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất ở các làng nghề có quy mô hộ gia đình vẫn nằm trong khu dân cư, công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu và mang tính thủ công, vốn đầu tư nhỏ nên chưa có khả năng đầu tư cho việc xử lý chất thải, do đó, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng theo đà phát triển sản xuất, một số làng nghề như Đồng Văn, Tề Lỗ (Yên Lạc) đã đến mức báo động.

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND tỉnh đã xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề. Vĩnh Phúc đang tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, tìm giải pháp cho vấn đề này. Trong nhiều chương trình, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm đang triển khai, phải kể đến đề án bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2020. Đề án bao gồm các hạng mục khác nhau nhằm xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường một cách có hiệu quả và triển khai mô hình thí điểm quản lý môi trường có sự tham gia của cộng đồng. Theo đề án từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ hỗ trợ 35 tỷ đồng  xây dựng 7 công trình xử lý nước thải làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đối với hệ thống xử lý chất thải làng nghề tỉnh sẽ hỗ trợ 16 tỷ đồng xây dựng 80 mô hình ở các làng nghề hiện đang phát sinh tiếng ồn, bụi và khí thải lớn. Mỗi làng nghề sẽ lựa chọn tối đa 15 cơ sở có mức độ ô nhiễm nhất để xem xét hỗ trợ và mỗi cơ sở này chỉ được xem xét hỗ trợ 1 hệ thống. Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/hệ thống xử lý/cơ sở sản xuất. Toàn bộ chi phí vận hành như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế là của các hộ sản xuất, chủ cơ sở sản xuất tự cân đối, bố trí từ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh.

Với sự hỗ trợ của đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành xây dựng quy ước bảo vệ môi trường, áp dụng thí điểm các biện pháp sản xuất sạch hơn cho một số cơ sở sản xuất trong làng nghề. Từ mô hình này, Sở sẽ nhân rộng ra các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề có sự tham gia của cộng đồng.

 

Nguyễn Khuyến Hoàn

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)