Hôm nay: Thứ hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Thanh niên nông thôn Vĩnh Phúc độ tuổi từ 15-30 có hơn 187.400 người, chiếm 24,6% dân số nông thôn và 39,2% lực lượng lao động nông thôn. Trước sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế (tăng tỷ trọng công nhiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp) cùng với sự ra đời của nhiều khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh đã xuất hiện dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị. Các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc đã sử dụng hơn 42.000 lao động, trong đó lao động địa phương chiếm 70%. Bên cạnh lực lượng lao động nông thôn đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh, còn có một lượng lớn lao động đi làm ở các KCN, đi lao động tự do ở ngoại tỉnh.

Hầu hết đoàn viên, thanh niên đi lao động xa nhà đều khó quản lý và tập hợp, vì thế, việc giáo dục, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thiếu kịp thời, hoặc chưa có hoạt động cụ thể, dẫn đến hiện tượng một bộ phận thanh niên sau thời gian đi làm ăn xa mắc các TNXH, vi phạm pháp luật, bị xâm hại quyền lợi… Trước thực trạng đó, Tỉnh Đoàn đã xây dựng mô hình “Thí điểm quản lý đoàn viên và tập hợp thanh niên nông thôn đi lao động ở xa”. Việc quản lý ĐVTN đi lao động ở xa vừa giúp tổ chức Đoàn, Hội tập hợp lực lượng ĐVTN tham gia sinh hoạt, đảm bảo số lượng đoàn viên trên mặt trận đoàn kết; tăng cường khả năng hỗ trợ của Đoàn, Hội đối với ĐVTN, nhằm chăm lo tốt hơn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Mô hình quản lý đoàn viên và tập hợp thanh niên nông thôn đi lao động xa được triển khai thí điểm ở 4 xã trên địa bàn tỉnh: Yên Bình, Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường); Đại Tự, Yên Đồng (Yên Lạc). Ở những xã này, ngoài việc làm ruộng thì hầu hết người dân đều chưa có nghề phụ để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế nên có lực lượng lớn lao động (chủ yếu là thanh niên) đi làm ăn xa quê (xã Đại Tự có 15% và xã Vĩnh Ninh có khoảng 30% số ĐVTN lao động xa nhà).

Quản lý ĐVTN từ xa là một khó khăn đối với tổ chức Đoàn, vậy làm cách nào để Đoàn và các Hội có thể tập hợp, quản lý được thanh niên khi họ dành phần nhiều thời gian sống, làm việc tại những địa phương khác? Theo mô hình này, Đoàn Thanh niên các xã thực hiện thí điểm sẽ lập danh sách địa chỉ cụ thể các thông tin cá nhân đoàn viên đi làm ăn xa; cấp thẻ quản lý đoàn viên cho họ; liên hệ với cơ sở Đoàn nơi đoàn viên đến lao động để phối hợp giúp đỡ khi đoàn viên gặp vướng mắc về nhà ở, việc làm, tai nạn, rủi ro lao động, cùng với Đoàn địa phương đó phối hợp tuyên truyền phòng chống TNXH…; tổ chức gặp mặt đoàn viên đi lao động xa vào những dịp lễ tết để nắm tâm tư, nguyện vọng của họ. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đã xây dựng “Quỹ hỗ trợ ĐVTN nông thôn đi lao động ở xa” cho 4 xã thí điểm với số vốn ban đầu là 5 triệu đồng/xã.

Với những giải pháp ấy, bước đầu đã tạo được sự gắn kết của tổ chức Đoàn với thanh niên nông thôn, phần nào giúp họ thêm vững tin khi đi lao động xa nhà.

Mai Thơ

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)